Chè xanh+ kẹo lạc: Cặp đôi hoàn hảo
Ở đâu kẹo lạc xuất hiện ở đó sẽ có nước trà xanh. Kẹo lạc và trà xanh sánh đôi cùng nhau trong những hàng quán dành cho người bình dân.
Hồi bé cứ vu vơ canh cổng ngóng mẹ đi chợ về chia cho chiếc kẹo lạc mật gói trong lớp lá chuối khô là sướng rơn. Lớn lên rồi lại thích nhâm nhi vị mát chan chát của trà xanh quyện hòa với vị bùi giòn tan của kẹo lạc để nghe sắc ngọt dịu dàng tan dần nơi đầu lưỡi.
Thế nên dễ nhận thấy nhất là ở đâu kẹo lạc xuất hiện ở đó sẽ có nước trà xanh. Kẹo lạc và trà xanh sánh đôi cùng nhau trong những hàng quán dành cho người bình dân. Kẹo lạc là thứ quà dân dã không kén người ăn, “hiện diện” trong quán nước ven đê nằm khép mình dưới tán tre xanh, trong gánh hàng rong của bà cụ bán nước chè, trong hàng trà đá sinh viên… Không hiểu từ bao giờ người Việt lại có nét văn hóa mộc mạc mà sâu sắc đến thế. Trong buổi chiều ồn ào náo nhiệt của thành phố, sẽ tìm lại được những phút bình yên, thư thái khi chậm rãi thưởng thức cốc trà xanh đá mát lạnh, có phong kẹo lạc đưa đẩy. Thấy ấm áp là một đêm mưa lâm thâm lành lạnh, cốc trà xanh ấm nóng bỏng tay, thơm đến diệu kì khi ăn kèm kẹo lạc. Uống cốc trà mà thiếu kẹo lạc cứ thấy hụt hẫng, thiếu đi một thứ gì đó thân thuộc lắm. Còn đã ngồi hàng nước chỉ gọi thanh kẹo lạc sẽ thấy nhớ da diết vị chát nồng của trà xanh.
Chè xanh kẹo lạc đã bén duyên trong những câu chuyện bình dân của người Việt .
Kẹo lạc còn có một cái tên rất ngộ nghĩnh là kẹo Sìu Châu ở Nam Định do người Hoa từ Triều Châu phổ biến cách làm. Kẹo lạc ngon phải được làm từ đường hoặc mật làm từ mía với mạch nha. Thứ nhân lạc bên trong phải là lạc chắc mẩy, rang chín tới dậy mùi thơm bùi. Hỗn hợp trên sau khi được đổ ra mâm, phải rắc một lớp bột nếp mỏng để kẹo không bị dính vào nhau. Thứ kẹo lạc ăn vào giòn tan, ngọt sắc, thơm bùi béo là kẹo chuẩn. Còn nước trà xanh phải được đun từ thứ chè xanh tươi mơn mởn, không chọn lá già vì khi đun nước sẽ không thơm, cũng không chọn lá quá non vì nước uống sẽ nhạt. Trà ngon đạt yêu cầu phải có vị trong xanh dịu, thơm mát, khi uống hơi ngai ngái chan chát. Hiếm có thứ kẹo nào “hiểu” trà xanh như kẹo lạc nên uống trà xanh phải ăn kèm kẹo lạc mới đúng kiểu. Ăn miếng kẹo lạc, uống một ngụm chè tươi nhớ chẹp miệng mấy cái để cảm nhận vị ngọt sắc của kẹo lạc được vị chát nồng của chè tươi quấn quýt dịu đi, khoan khoái rít thêm điếu thuốc lào để thấy hết cái thú của cuộc đời trong văn hóa vỉa hè.
Người Việt xưa nay vẫn thế, tinh tế lắm dù trong cách thưởng thức những thứ bình dân nhất. Uống trà xanh, ăn kẹo lạc cũng giản dị và nhẹ nhàng như thưởng các món khác, trầm tĩnh chứ không ồn ào. Có thể đi một mình, có thể đi cùng một vài người bạn thân hữu nhưng nhất định sẽ ngồi ở quán quen, yên lặng, chậm dãi lắng nghe câu chuyện của mọi người xung quanh hay chú tâm trong một ván cờ tướng. Không cần phải quen biết hay thân thiết, cùng gọi cốc trà xanh và thanh kẹo lạc, tự dưng người ta dễ đồng cảm, sẻ chia với nhau.
Ngày nay có biết bao nhiêu “trà quán” với đủ các loại trà cầu kì, sang trọng để lựa chọn nhưng hình như người ta vẫn thích và thoải mái hơn khi ngồi hàng trà xanh dân dã. Nào phải điều gì to tát để làm nên chất “duyên” ấy, chỉ một cốc trà xanh thủy tinh trong veo dịu mát mắt cùng những chiếc kẹo lạc giòn tan hấp dẫn đựng trong chiếc lọ nhựa của cô bán hàng đủ mãi ám ảnh những ai đã từng “lê la” quán nước vỉa hè Hà Nội.
Để lại bình luận