• Single Content

    bàn về sản xuất chè ô long ở việt nam

    Chè Ô Long hay còn gọi là Trà Ôlong là loại chè được thế giới ưa chuộng và có giá trị kinh tế cao. Việt Nam đã nhập một số dây chuyền chế biến loại chè này của Đài Loan nhưng sản xuất bị thất bại. Nghiên cứu của Viện nghiên cứu chè qua 4 năm cho thấy các giống chè hiện có tại Việt Nam không thể làm nguyên liệu để sản xuất chè Ô Long được. Các giống chọn lọc chỉ có A1, LĐP1, LDP2 có khả năng chế biến chè Ô Long nhưng chất lượng còn kém, cần được nghiên cứu tiếp. Khâu chủ yếu đối với sản xuất chè Ô Long ở nước ta là giống chè vì vậy cần nhập nội, khu vực hóa và nhân nhanh giống phục vụ cho sản xuất chè Ô Long.

    Chè Ô Long là loại chè nổi tiếng trên thị trường thế giới. Chè Ô Long được sản xuất tại Trung Quốc và Đài Loan. Trên thị trường thế giới, chè Ô Long tốt giá bán tới 70 USD/kg.

    Chè Ô Long khác với các sản phẩm chè khác về hương vị và ngoại hình. Tùy theo thị hiếu của người tiêu dùng chè Ô Long được chế biến theo các qui trình công nghệ khác nhau để sản phẩm có màu nước: Vàng xẫm, vàng đậm, vàng đỏ. Vị chè Ô Long chát dịu có hậu hương chè Ô Long có nét đặc trưng riêng thơm đượm, ta có thể pha tới nhạt nước mà chén trà vẫn thơm. Mùi thơm của bản thân búp chè không có lai tạp. Đây chính là nét đặc trưng riêng của chè Ô Long mà các sản phẩm chè khác không có.

    Chè Ô Long được chế biến với công nghệ cổ truyền. Hiện nay tại Trung Quốc, Đài Loan người ta đã chế tạo những dây chuyền sản xuất chè Ô Long hiện đại đạt trình độ cơ giới hóa và tự động hóa.

    Do giá trị của trà Ô Long cao nên các nhà doanh nghiệp Việt Nam và Đài Loan đã đưa một số dây chuyền chế biến chè Ô Long vào Việt Nam, tại các vùng: Ba Vì (Hà Tây), Yên Bái, Mộc Châu (Sơn La); nhưng qua 3-4 năm sản xuất các doanh nghiệp trên đã thất bại. Tại các điểm sản xuất trên người ta chỉ thu được sản phẩm chè có ngoại hình và màu nước của Ô Long còn hương chè thì hoàn toàn không đạt. Các dây chuyền sản xuất trên có nơi phải chuyển sang chế biến chè xanh.

    Cùng với thời gian trên Viện nghiên cứu chè cũng đã nghiên cứu sản xuất chè Ô Long từ các giống chọn lọc tại Viện như PHI, TRI 777, 1A, LDP1, LDP2, Trung du. Viện cũng đã mời chuyên gia Đài Loan sang cùng nghiên cứu.

    Qua 4 năm nghiên cứu, Viện đã kết luận:

    - Các giống chè hiện có tại Việt Nam không thể sản xuất chè Ô Long.

    - Các giống chọn lọc ở Phú Hộ chỉ có giống chè 1A, LDP1, LDP2 có khả năng chế biến chè Ô Long nhưng chất lượng còn kém, cần được nghiên cứu tiếp.

    Như vậy sự thất bại của các doanh nghiệp trên là tất yếu. Nhược điểm của các giống chè tại Việt Nam là không tạo được hương thơm của Ô Long. Như vậy bản chất của vấn đề đó là giống chè.

    Các doanh nghiệp Đài Loan cũng đã đưa vào Việt Nam một số giống chè như Kim Huyền, Ngọc Thúy, Ô Long Thanh Tâm là những giống tốt để chế biến chè Ô Long của Đài Loan. Thế nhưng liệu các giống chè trên có giữ nguyên được bản chất của giống khi trồng tại Việt Nam hay không? Đó là một câu hỏi, vì như chúng ta đã biết điều kiện sinh thái của Đài Loan và Việt Nam khác nhau. Riêng về độ cao các nương của Đài Loan được trồng ở độ cao 1.000 m, các vùng chè của ta thường từ 50 - 70 m (Vĩnh Phú), 500 m (Mộc Châu)...

    Nếu như các giống chè trên phát triển tốt và bản chất của giống không thay đổi thì chúng ta hoàn toàn yên tâm với vấn đề sản xuất chè Ô Long tại Việt Nam. Nhưng vấn đề khác cần bàn thêm đó là trồng chè. Đến khi nào chúng ta có đủ diện tích để có nguyên liệu chè. Đối với cây chè phải sau 4 năm mới cho nguyên liệu. Như vậy vấn đề sản xuất chè Ô Long tại Việt Nam cần có thời gian để suy ngẫm. Trước mắt chúng ta chưa nên đưa sản phẩm chè Ô Long vào kế hoạch.

    Ô Long là một sản phẩm chè giá trị cao cần được chú ý trong chiến lược phát triển chè của Việt Nam. Chúng tôi có một số kiến nghị sau:

    - Khâu chủ yếu của chè Ô Long đối với chúng ta là giống chè. Do đó việc nhập nội các giống chè của Trung Quốc, Đài Loan là rất cần thiết.

    - Các giống chè nhập vào Việt Nam cần được khảo nghiệm tại các vùng khác nhau từ đó chúng ta có kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu cho sản phẩm chè Ô Long.

    - Các giống hiện đã nhập vào Việt Nam như Kim Huyền, Ngọc Thúy, Ô Long Thanh Tâm cần được chú ý để nhân giống nhanh.

    - Các giống chè 1A, LDP1, LDP2 chọn tạo tại Viện cần được đầu tư nghiên cứu tiếp để có những kết luận chuẩn xác của các giống này đối với việc chế biến ra chè Ô Long.

    - Các dây chuyền thiết bị chế biến chè Ô Long nhập vào Việt Nam cần được nghiên cứu tiếp thu, làm chủ công nghệ và tiến tới chế tạo tại Việt Nam, vì đây là vốn quí để bổ sung vào chương trình hiện đại hóa thiết bị chế biến chè của Việt Nam .

    Để lại bình luận

    Sale

    Không sẵn có

    Hết hàng